Hướng dẫn quy trình thành lập công ty/ doanh nghiệp mới nhất năm 2021. Để thành lập doanh nghiệp bạn cần chuẩn bị những hồ sơ gì và thủ tục ra sao? Mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây của Luật Bravolaw sẽ giúp bạn đọc cập nhật những thông tin cần thiết khi thành lập công ty theo Luật doanh nghiệp 2020.
Quy trình thành lập công ty/ doanh nghiệp năm 2021
Bước 1: Chuẩn bị thông tin công ty
Để có thể đăng ký thành lập doanh nghiệp, trước tiên, bạn đọc cần chuẩn bị đầy đủ các thông tin về công ty dự kiến thanh lập bao gồm lựa chọn loại hình doanh nghiệp, tên công ty, địa chỉ trụ sở công ty, vốn điều lệ cần đăng ký, thông tin người đại diện pháp luật, ngành nghề kinh doanh và thông tin CMND/CCCD/ hộ chiếu. Cụ thể như sau:
Lựa chọn loại hình doanh nghiệp:
Hiện nay, theo quy định Luật doanh nghiệp năm 2020 bao gồm những loại hình doanh nghiệp như sau:
- Thành lập công ty TNHH 1 thành viên
- Thành lập công ty TNHH 2 thành viên
- Thành lập doanh nghiệp tư nhân
- Thành lập công ty cổ phần
- Thành lập công ty hợp danh
Tên công ty: Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây: Loại hình doanh nghiệp + Tên riêng.
Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
Tên công ty không được trùng, gần giống với tên những doanh nghiệp khác trừ doanh nghiệp đã giải thể hoặc tuyên bố phá sản.
Lưu ý: Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các Điều 37, 38, 39 và 41 Luật Doanh nghiệp 2020.
Địa chỉ trụ sở chính: Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
Địa chỉ trụ sở chính của công ty không được đặt tại chung cư trừ các officetel.
Vốn điều lệ: là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.
- Tùy theo nhu cầu kinh doanh, ngành nghề mà doanh nghiệp đăng ký mức vốn phù hợp.
- Mức vốn điều lệ để xác định quyền lợi và trách nhiệm của mỗi thành viên/ cổ đông.
- Mức vốn còn để xác định mức thuế môn bài phải nộp hàng năm.
Thông tin người đại diện pháp luật công ty: Khi thành lập công ty bắt buộc chủ sỡ , các thành viên và các cổ đông phải chọn ra 1 người đứng đại điện pháp luật cho doanh nghiệp. Chức danh thường là giám đốc hoặc tổng giám đốc hoặc chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị,….
Tùy theo nhu cầu doanh nghiệp có thể đăng ký 1 hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Ngành nghề kinh doanh: Chon ngành nghề kinh doanh theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ.
- Doanh nghiệp được tự do lựa chọn ngành nghề mình kinh doanh mà nhà nước không cấm và phải đăng ký trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp
- Doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện trước khi hoạt động các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Chuẩn bị giấy chứng thực cá nhân:
Chuẩn bị thông tin chứng minh nhân dân (CMND)/ Căn cước công dân (CCCD) hoặc hộ chiếu bản sao y công chứng không quá 3 tháng của tất cả người tham gia góp vốn và còn thời hạn sử dụng.
Bước 2: Tiến hành đăng ký công ty
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các thông tin tại bước 1, để tiếp tục hoàn tất thủ tục thành lập công ty, chúng ta sẽ chuyển sang bước 2: đăng ký công ty. Tại bước này, bạn đọc sẽ cần soạn thảo hồ sơ thành lập công ty và nộp hồ sơ đăng ký công ty tại phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh/ thành phố. Cụ thể như sau:
Về việc soạn thảo hồ sơ thành lập công ty cần tiến hành đầy đủ theo những biểu mẫu sau:
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
2. Dự thảo điều lệ công ty;
3. Bản sao các giấy tờ sau đây:
a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
b) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
4. Danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; Danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần
5. Giấy ủy quyền nếu người nộp hồ sơ không phải đại diện pháp luật
Về việc nộp hồ sơ đăng ký thành lập công ty: Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo phương thức sau đây:
- Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh;
- Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;
- Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (https://dangkykinhdoanh.gov.vn)
Số lượng hồ sơ: 01 bộ hồ sơ
Thời hạn giải quyết: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.
Kết quả hồ sơ: Nếu hồ sơ hợp lệ sẽ nhận được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ sẽ có thông báo về việc sửa đổi, bổ sung đăng ký doanh nghiệp.
Bước 3: Khắc con dấu pháp nhân doanh nghiệp
Sau khi đã hoàn thành bước 2, bạn đọc tiếp tục chuyển sang bước 3 để khắc con dấu pháp nhân cho công ty. Thủ tục làm con dấu pháp nhân như sau:
- Mang bản sao giấy chứng nhận đăng ký công ty đến cơ sở khắc dấu để làm con dấu
- Doanh nghiệp mang theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và CMND bản gốc để lấy dấu
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 thì doanh nghiệp có quyền quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp và tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng con dấu pháp nhân của công ty.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì doanh nghiệp sẽ không cần thực hiện thủ tục thông báo mẫu con dấu với Cơ quan đăng ký kinh doanh. Đây được coi là một quy định mới, tiến bộ, phù hợp trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm thời gian và công sức trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp.
Những thủ tục sau khi thành lập công ty
Sau khi được cấp giấy phép kinh doanh, để có thể chính thức hoạt động, doanh nghiệp cần thực hiện một số thủ tục sau:
- Treo biển tại trụ sở của doanh nghiệp.
- Thực hiện thủ tục kê khai thuế ban đầu tại Cơ quan Thuế.
- Đăng ký chữ ký số để kê khai và nộp thuế theo quy định
- Kê khai và nộp lệ phí môn bài qua mạng theo quy định
- Đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện: sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp liên hệ cơ quan quản lý chuyên ngành để được cấp giấy phép con trước khi hoạt động.
- Khi thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, người thành lập doanh nghiệp phải đến cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện đăng ký thay đổi kịp thời và chính xác trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có quyết định thay đổi.
- Tổ chức công tác kế toán, lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán.
- Đăng kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm quyền, lợi ích của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động; thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm.
- Đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử.
Hiện nay, thay vì khai thuế trên tờ khai giấy và nộp trực tiếp tại cơ quan thuế thì người nộp thuế đã có thể khai trực tuyến và sử dụng chữ ký số để thay thế chữ ký tay và con dấu doanh nghiệp.
Trên đây là những chia sẻ của Luật Bravolaw giúp bạn đọc nắm bắt rõ các thông tin về quy trình thành lập công ty/ doanh nghiệp mới nhất. Nếu còn vướng mắc gì cần giải đáp, vui lòng để lại bình luận ở khung bên dưới hoặc liên hệ theo số 1900 6296 để được hỗ trợ tốt nhất.