Trong những năm qua, bên cạnh hệ thống các doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp, loại hình hộ kinh doanh là một mô hình pháp lý quan trọng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của nước ta. Về mặt kinh tế, hộ kinh doanh có đóng góp lớn trong nền kinh tế đất nước, nhất là trong việc tạo việc làm, huy động vốn dân cư. Công tác đăng ký kinh doanh đối với hộ kinh doanh những năm gần đây, tuy đã được chú trọng, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện. Có thể nhận thấy một số bất cập cơ bản như:
Một là, về trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh chưa có sự phối hợp liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan đăng ký thuế cấp huyện.
Hai là, một số quy định pháp lý về đăng ký hộ chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống như: quy định về chống trùng tên hộ kinh doanh trong địa bàn quận, huyện, quy định về đối tượng không được quyền thành lập hộ kinh doanh chưa rõ ràng…
Ba là, tổ chức bộ máy cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện không đáp ứng được nhu cầu phát triển, cải cách hành chính.
Bốn là, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện còn chưa được đầu tư thích đáng.
Năm là, cơ sở dữ liệu về đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế còn rời rạc tại các địa phương; gây khó khăn cho việc tra cứu, tổng hợp, dự báo tình hình phát triển, đánh giá hoạt động của khu vực hộ kinh doanh để phục vụ công tác hoạch định chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh cũng như các chính sách kinh tế, xã hội khác.
Về lâu dài, việc ban hành một Nghị định riêng về đăng ký hộ kinh doanh nên được các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà hoạch định chính sách xem xét để tương xứng với vị trí, vai trò của hộ kinh doanh trong nền kinh tế. Những năm tới, để đổi mới công tác đăng ký kinh doanh theo hướng đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân gia nhập thị trường theo hình thức hộ kinh doanh, có thể nghiên cứu, áp dụng một số giải pháp như sau:
Một là, thực hiện phối hợp “một cửa liên thông” giữa cơ quan đăng ký kinh doanh (Phòng Tài chính kế hoạch) và cơ quan thuế cấp quận, huyện
Áp dụng mô hình “một cửa liên thông” cho cả hai thủ tục gồm đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế là tiền đề để tiếp tục đơn giản hóa thủ tục đăng ký thành lập hộ kinh doanh. Kinh nghiệm quốc tế và ngay tại Việt Nam cho thấy, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước được coi là nhân tố chủ yếu để thực hiện cải cách đột phá trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh nói chung và đăng ký hộ kinh doanh nói riêng.
Hộ kinh doanh chỉ cần nộp hồ sơ đăng ký và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại một cơ quan hành chính là cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện thay vì phải đến hai cơ quan để thực hiện các thủ tục này như hiện nay (theo quy trình của mô hình “một cửa liên thông” thì các công đoạn của quá trình đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế là quy trình xử lý nội bộ, người dân chỉ cần nộp một bộ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại một cơ quan và sẽ được trả kết quả tại chính cơ quan ấy cho cả hai thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế). Điều này sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân, đồng thời, giúp giảm tải đáng kể công việc cho cơ quan hành chính nhà nước.
Sơ đồ: Luồng xử lý đăng ký hộ kinh doanh theo mô hình một cửa liên thông
Hai là, sử dụng một mẫu đơn hợp nhất để thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, trong đó, xóa bỏ sự trùng lặp thông tin kê khai đăng ký kinh doanh và các thông tin kê khai đăng ký thuế.
Với giải pháp áp dụng một bộ hồ sơ duy nhất khi đăng ký hộ kinh doanh thay vì phải nộp 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ đăng ký kinh doanh tại Phòng Tài chính Kế hoạch và 01 bộ hồ sơ đăng ký thuế tại Chi cục Thuế) như hiện nay; sẽ giúp loại bỏ những nội dung kê khai và giấy tờ trùng lặp hoặc không hợp lý.
Ba là, bãi bỏ Giấy chứng nhận đăng ký thuế cho hộ kinh doanh.
Điều này là hệ quả của việc áp dụng một mẫu đơn hợp nhất, một bộ hồ sơ đăng ký và một Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh chung (bao gồm cả nội dung đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế).
Bốn là, ứng dụng công nghệ thông tin thống nhất trên phạm vi toàn quốc vào nghiệp vụ đăng ký hộ kinh doanh.
Thông qua một Hệ thống duy nhất, người dân và cơ quan đăng ký kinh doanh có thể đăng ký và theo dõi quá trình xử lý hồ sơ, thực hiện tra cứu kết quả xử lý, tra cứu tên hộ kinh doanh trên toàn quốc. Bên cạnh đó, các cơ quan hành chính nhà nước có thể trao đổi thông tin cần thiết liên quan đến hộ kinh doanh một cách nhanh chóng, chính xác.
Để thực hiện được các nhóm giải pháp nêu trên, bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp lý về đăng ký hộ kinh doanh, các cơ quan trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính) cần phối hợp với các địa phương để triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký hộ kinh doanh, xây dựng Cổng thông tin đăng ký hộ kinh doanh để phục vụ công tác đăng ký kinh doanh đối với loại hình này (hoặc tích hợp chung trong Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp). Tất cả các thông tin về đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh sẽ được lưu trữ đầy đủ và cập nhật tại cơ sở dữ liệu đặt tại trung ương mà không lưu trữ riêng lẻ tại các địa phương như hiện nay.
Sơ đồ: Mô hình hệ thống đăng ký hộ kinh doanh mới
Về vấn đề nguồn lực triển khai các nhóm giải pháp, với xu hướng phát triển công nghệ thông tin như hiện nay, sau khi khung pháp lý về đăng ký hộ được cải cách, việc đầu tư, xây dựng hệ thống tin học cho hộ kinh doanh có thể triển khai dễ dàng, nhanh chóng và ít tốn kém. Có một số nguyên tắc nên áp dụng cho việc đầu tư hệ thống công nghệ thông tin đối với hộ kinh doanh theo hướng tiết kiệm và hiệu quả:
Một là, tận dụng toàn bộ hệ thống máy tính hiện có đang cấp đăng ký kinh doanh tại các cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận, huyện; theo đó, ứng dụng cấp đăng ký hộ kinh doanh cần được thiết kế phù hợp với các máy tính cấu hình thấp.
Hai là, kết nối hệ thống đặt tại trung ương với các quận, huyện trong cả nước chủ yếu thực hiện qua mạng internet hiện có của các quận, huyện. Việc đầu tư, duy trì mạng dùng riêng vật lý chỉ nên xem xét với một số địa phương có số lượng hộ đăng ký kinh doanh lớn.
Ba là, tận dụng hệ thống thiết bị tin học hiện có của Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để giảm thiểu việc đầu tư thiết bị mới cho Hệ thống thông tin đăng ký hộ kinh doanh như: sử dụng chung hệ thống thiết bị an ninh, bảo mật, sử dụng chung hệ thống máy chủ cơ sở dữ liệu…
Bốn là, việc chuyển đổi các cơ sở dữ liệu riêng lẻ hiện có của hộ kinh doanh tại các địa phương nên thực hiện dựa trên chuyển đổi từ cơ sở dữ liệu về hộ kinh doanh được lưu giữ tại Hệ thống của Tổng cục Thuế. Theo đó, thay vì phải xây dựng rất nhiều phần mềm chuyển đổi riêng đối với từng cơ sở dữ liệu của các tỉnh, quận, huyện (đang được lưu trữ đa dạng, khác biệt về tiêu chí và chuẩn dữ liệu), thì chỉ cần xây dựng một phần mềm chuyển đổi dữ liệu. Điều này sẽ tiết kiệm khá lớn về nguồn lực tài chính và thời gian triển khai để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký hộ kinh doanh.
Bạn cần tư vấn thêm về đăng ký hộ kinh doanh cá thể vui lòng liên hệ ngay Bravolaw .
Hotline: 19006296
Bạn đang xem Các vấn đề mới cần biết về Đăng ký hộ kinh doanh cá thể tại quận, huyện hoặc Cac van de moi can biet ve dang ky ho kinh doanh ca the tai quan, huyen trong Hộ kinh doanh