thay doi dang ky kinh doanh, dang ky kinh doanh, giai the doanh nghiep

Home » Dịch vụ Thay Đổi Đăng Ký Kinh Doanh Công ty » Những thay đổi về đăng ký kinh doanh 2016

Những thay đổi về đăng ký kinh doanh 2016

Năm 2016 là năm có nhiều thay đổi với các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý doanh nghiệp trong đăng ký kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn bỡ ngỡ chưa hiểu hết các thủ tục pháp lý và các giấy tờ cần thiết dù Luật doanh nghiệp đã có các đây 2 năm và trải qua gần 1 năm có hiệu lực thi hành.

5 điểm mới nổi bật của Luật Doanh nghiệp  có hiệu lực thi hành
Luật Doanh nghiệp đã sửa đổi, bổ sung những quy định mới nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập của luật cũ, tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Dưới đây là những điểm mới quan trọng của Luật Doanh nghiệp 2014 sửa đổi, có hiệu lực từ 1/7/2015 qua giới thiệu của BRAVOLAW:

Đăng ký kinh doanh công ty

Đăng ký kinh doanh

1. Đăng ký kinh doanh doanh nghiệp

a. Thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 và khoản 3 Điều 31 Luật Doanh nghiệp 2014, thời hạn để cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho các loại hình doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) được rút ngắn từ 5 ngày làm việc (theo luật Doanh nghiệp 2005) xuống còn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ.

b. Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 29 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ còn 4 nội dung chính (Luật Doanh nghiệp 2005 là 10 nội dung chính) là: Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; thông tin chi tiết nhân thân của cá nhân là người đại diện theo pháp luật, chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, thành viên công ty và thông tin của thành viên tổ chức; vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Theo đó, luật Doanh nghiệp 2014 đã bỏ nội dung ngành, nghề kinh doanh; bỏ việc xác định vốn pháp định và chứng chỉ hành nghề. Điều này đã hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm theo quy định tại Hiến pháp 2013. Đồng thời, khi có sự thay đổi ngành, nghề kinh doanh, doanh nghiệp chỉ phải thông bảo với cơ quan đăng ký kinh doanh để được bổ sung trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp mà không phải đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới như luật cũ. Điều này giúp cho các doanh nghiệp không phải mất thời gian và thủ tục để chờ cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi muốn bổ sung ngành nghề kinh doanh.

2. Con dấu của doanh nghiệp

Trước đây việc cấp, sử dụng con dấu của doanh nghiệp do Bộ Công an quy định, theo luật Doanh nghiệp 2014 tại Điều 44, doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Thay vì phải đăng ký với cơ quan công an như luật cũ, doanh nghiệp chỉ cần thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Quy định này giúp doanh nghiệp đỡ phiền hà, tốn kém về chi phí, thời gian và phù hợp với xu thế chung của thế giới.

3. Điều kiện tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông công ty

Theo quy định tại Điều 141 Luật Doanh nghiệp 2014, điều kiện tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông chính thức thay đổi theo đúng thông lệ quốc tế khi giảm tỷ lệ dự họp từ 65% (luật Doanh nghiệp 2005) xuống còn 51%. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành theo đúng kế hoạch của doanh nghiệp, tránh tình trạng phải triệu tập lần thứ 2, lần thứ 3 do không đủ điều kiện.

4. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Khác với luật Doanh nghiệp 2005, Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014 cho phép công ty TNHH và công ty cổ phần có thể tự quyết định, chỉ định một người đại diện theo pháp luật hoặc trong trường hợp cần thiết thì có quyền tự chủ quyết định việc có nhiều người đại diện theo pháp luật.

Số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được quy định cụ thể tại Điều lệ công ty. Đây là quy định hoàn toàn mới mẻ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng được mọi cơ hội kinh doanh thông qua các đại diện theo pháp luật, đồng thời, gỡ rối cho doanh nghiệp trong các trường hợp: người đại diện duy nhất không hợp tác, không thực hiện các yêu cầu của thành viên/cổ đông trong quá trình quản lý điều hành nội bộ cũng như giao dịch với bên ngoài công ty.

5. Hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 194, 195 Luật Doanh nghiệp 2014, các công ty có thể hợp nhất, sáp nhập vào nhau để tạo thành một công ty mới mà không bắt buộc phải là “công ty cùng loại” như quy định tại luật cũ. Quy định này là sự đổi mới quan trọng góp phần thúc đẩy thị trường mua bán doanh nghiệp đang hết sức sôi động hiện nay.

Ngoài ra còn nhiều thay đổi liên quan khác được quy định rõ tại một số điều khoản sau:

1/ Mở rộng phạm vi điều chỉnh

Quy định về thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp.

Các loại hình doanh nghiệp gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân và nhóm công ty.

(Căn cứ Điều 1 Luật doanh nghiệp 2014)

2/ Mở rộng đối tượng áp dụng

– Các doanh nghiệp

– Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp.

(Căn cứ Điều 2 Luật doanh nghiệp 2014)

3/ Không còn quy định về việc áp dụng Điều ước quốc tế

Quy định về việc áp dụng Luật doanh nghiệp và các Luật chuyên ngành như sau:

Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó.

(Căn cứ Điều 3 Luật doanh nghiệp 2014)

4/ Sửa đổi, bổ sung phần giải thích từ ngữ

– Cá nhân nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam.

– Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần.

Cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần.

– Cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác từ nguồn lợi nhuận còn lại của công ty cổ phần sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài chính.

– Công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

– Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp là cổng thông tin điện tử được sử dụng để đăng ký doanh nghiệp qua mạng, truy cập thông tin về đăng ký doanh nghiệp.

– Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp là tập hợp dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc.

– Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.

– Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (trước đây Nhà nước chỉ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì doanh nghiệp đó đã trở thành doanh nghiệp nhà nước).

– Doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo pháp luật Việt Nam và có trụ sở chính tại Việt Nam.

– Giá thị trường của phần vốn góp hoặc cổ phần là giá giao dịch trên thị trường cao nhất ngày hôm trước, giá thỏa thuận giữa người bán và người mua, hoặc giá do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp xác định.

– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản hoặc bản điện tử mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp.

– Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập.

– Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp bao gồm Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và hạ tầng kỹ thuật hệ thống.

– Người có liên quan là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:

Công ty mẹ, người quản lý công ty mẹ và người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý đó đối với công ty con trong nhóm công ty;

Công ty con đối với công ty mẹ trong nhóm công ty;

Người hoặc nhóm người có khả năng chi phối việc ra quyết định, hoạt động của doanh nghiệp đó thông qua cơ quan quản lý doanh nghiệp;

Người quản lý doanh nghiệp;

Vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý công ty hoặc của thành viên, cổ đông sở hữu phần vốn góp hay cổ phần chi phối;

Cá nhân được ủy quyền đại diện cho những người, công ty quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này;

Doanh nghiệp trong đó những người, công ty quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản này có sở hữu đến mức chi phối việc ra quyết định của các cơ quan quản lý ở doanh nghiệp đó;

Nhóm người thỏa thuận cùng phối hợp để thâu tóm phần vốn góp, cổ phần hoặc lợi ích ở công ty hoặc để chi phối việc ra quyết định của công ty.

– Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý công ty và người quản lý doanh nghiệp tư nhân, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.

– Người thành lập doanh nghiệp là tổ chức, cá nhân thành lập hoặc góp vốn để thành lập doanh nghiệp.

– Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, cá nhân được hiểu là nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư.

– Phần vốn góp là tổng giá trị tài sản của một thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Tỷ lệ phần vốn góp là tỷ lệ giữa phần vốn góp của một thành viên và vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh.

– Sản phẩm, dịch vụ công ích là sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đối với đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, cộng đồng dân cư của một khu vực lãnh thổ mà Nhà nước cần bảo đảm vì lợi ích chung hoặc bảo đảm quốc phòng, an ninh và việc sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ này theo cơ chế thị trường khó có khả năng bù đắp chi phí.

– Thành viên công ty là cá nhân, tổ chức sở hữu một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty hợp danh.

– Thành viên công ty hợp danh bao gồm thành viên hợp danh và thành viên góp vốn.

– Tổ chức lại doanh nghiệp là việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

– Tổ chức nước ngoài là tổ chức thành lập ở nước ngoài theo pháp luật nước ngoài.

– Tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là tổng tỷ lệ sở hữu vốn có quyền biểu quyết của tất cả nhà đầu tư nước ngoài trong một doanh nghiệp Việt Nam.

– Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần.

(Căn cứ Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014)

5/ Sửa đổi nội dung bảo đảm của Nhà nước với doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp

Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của doanh nghiệp; trường hợp trưng mua thì doanh nghiệp được thanh toán, trường hợp trưng dụng thì doanh nghiệp được bồi thường theo giá thị trường tại thời điểm trưng mua hoặc trưng dụng. Việc thanh toán hoặc bồi thường phải bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp và không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp.

(Căn cứ Điều 5 Luật doanh nghiệp 2014)

6/ Cụ thể hóa quy định tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội trong doanh nghiệp

Doanh nghiệp phải tôn trọng và không được cản trở, gây khó khăn cho việc thành lập tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội tại doanh nghiệp; không được cản trở, gây khó khăn cho người lao động tham gia hoạt động trong các tổ chức này.

(Căn cứ Điều 6 Luật doanh nghiệp 2014)

7/ Sửa đổi một số nội dung về quyền của doanh nghiệp

– Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm.

– Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.

– Từ chối yêu cầu cung cấp nguồn lực không theo quy định pháp luật.

– Tham gia tố tụng theo quy định pháp luật.

(Căn cứ Điều 7 Luật doanh nghiệp 2014)

8/ Sửa đổi, bổ sung các nghĩa vụ của doanh nghiệp

– Đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo Luật đầu tư và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.

– Tổ chức công tác kế toán, lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định pháp luật về kế toán, thống kê.

– Kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định pháp luật.

– Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo pháp luật lao động; không được phân biệt đối xử và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động trong doanh nghiệp; không được sử dụng lao động cưỡng bức và lao động trẻ em; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; thực hiện chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định pháp luật.

– Bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ theo tiêu chuẩn do pháp luật quy định hoặc tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố.

– Thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động, báo cáo và các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

– Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.

– Tuân thủ quy định pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh.

– Thực hiện nghĩa vụ về đạo đức kinh doanh để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và người tiêu dùng.

(Căn cứ Điều 8 Luật doanh nghiệp 2014)

9/ Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích

(Trước đây quy định quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp có sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích)

– Bao gồm quyền và nghĩa vụ theo quy định trên.

– Được hạch toán và bù đắp chi phí theo giá do pháp luật đấu thầu quy định hoặc thu phí sử dụng dịch vụ theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Được bảo đảm thời hạn cung ứng sản phẩm, dịch vụ thích hợp để thu hồi vốn đầu tư và có lãi hợp lý.

– Cung ứng sản phẩm, dịch vụ đủ số lượng, đúng chất lượng và thời hạn đã cam kết theo giá hoặc phí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

– Bảo đảm các điều kiện công bằng và thuận lợi như nhau cho các khách hàng.

– Chịu trách nhiệm trước pháp luật và khách hàng về số lượng, chất lượng, điều kiện cung ứng và giá, phí sản phẩm, dịch vụ cung ứng.

(Căn cứ Điều 9 Luật doanh nghiệp 2014)

10/ Quy định mới về tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội

– Tiêu chí:

+ Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật này.

+ Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng.

+ Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.

– Quyền và nghĩa vụ:

Ngoài các quyền và nghĩa vụ trên, doanh nghiệp xã hội có các quyền và nghĩa vụ sau:

+ Duy trì mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng và điều kiện là sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký trong suốt quá trình hoạt động.

Trường hợp doanh nghiệp đang hoạt động muốn chuyển thành doanh nghiệp xã hội hoặc doanh nghiệp xã hội muốn từ bỏ mục tiêu xã hội, môi trường, không sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư thì doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền để tiến hành các thủ tục theo quy định pháp luật.

+ Chủ sở hữu doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp xã hội được xem xét, tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định pháp luật.

+ Được huy động và nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác của Việt Nam và nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động của doanh nghiệp.

+ Không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký.

+ Trường hợp được nhận các ưu đãi, hỗ trợ, doanh nghiệp xã hội phải định kỳ hằng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

– Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội.

(Căn cứ Điều 10 Luật doanh nghiệp 2014)

11/ Sửa đổi các nội dung về chế độ lưu giữ tài liệu của doanh nghiệp

Tùy theo loại hình, doanh nghiệp phải lưu giữ các tài liệu sau:

– Điều lệ công ty; quy chế quản lý nội bộ của công ty; sổ đăng ký thành viên hoặc sổ đăng ký cổ đông.

– Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; giấy chứng nhận đăng ký chất lượng sản phẩm; giấy phép và giấy chứng nhận khác.

– Tài liệu, giấy tờ xác nhận quyền sở hữu tài sản của công ty.

– Biên bản họp Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị; các quyết định của doanh nghiệp.

– Bản cáo bạch để phát hành chứng khoán.

– Báo cáo của Ban kiểm soát, kết luận của cơ quan thanh tra, kết luận của tổ chức kiểm toán;

– Sổ kế toán, chứng từ kế toán, báo cáo tài chính hằng năm.

Doanh nghiệp phải lưu giữ các tài liệu trên tại trụ sở chính hoặc địa điểm khác được quy định trong Điều lệ công ty; thời hạn lưu giữ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

(Căn cứ Điều 11 Luật doanh nghiệp 2014)

12/ Báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp

Doanh nghiệp phải báo cáo Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có thay đổi thông tin về họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của:

– Thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần.

– Thành viên Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên.

– Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

(Căn cứ Điều 12 Luật doanh nghiệp 2014)

13/ Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

– Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật.

– Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.

– Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.

– Trường hợp hết thời hạn ủy quyền quy định trên mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì thực hiện theo quy định sau:

+ Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại làm việc tại doanh nghiệp.

+ Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của công ty trở lại làm việc tại công ty hoặc cho đến khi chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, quyết định cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

– Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.

– Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty bị tạm giam, kết án tù, trốn khỏi nơi cư trú, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng và tội khác theo quy định của Bộ luật hình sự thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty.

– Trong một số trường hợp đặc biệt, Tòa án có thẩm quyền có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật trong quá trình tố tụng tại Tòa án.

(Căn cứ Điều 13 Luật doanh nghiệp 2014)

14/ Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

– Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

– Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

– Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về việc người đại diện đó và người có liên quan của họ làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối tại các doanh nghiệp khác.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm nghĩa vụ nêu trên.

(Căn cứ Điều 14 Luật doanh nghiệp 2014)

15/ Quy định cụ thể về người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông là tổ chức

– Phải là cá nhân được ủy quyền bằng văn bản nhân danh chủ sở hữu, thành viên, cổ đông đó thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định trên.

– Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì việc cử người đại diện theo ủy quyền thực hiện theo quy định sau đây:

+ Tổ chức là thành viên công ty TNHH 02 thành viên trở lên có sở hữu ít nhất 35% vốn điều lệ có thể ủy quyền tối đa 03 người đại diện.

+ Tổ chức là cổ đông công ty cổ phần có sở hữu ít nhất 10% tổng số cổ phần phổ thông có thể ủy quyền tối đa 03 người đại diện.

– Trường hợp chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức cử nhiều người đại diện theo ủy quyền thì phải xác định cụ thể phần vốn góp, số cổ phần, cho mỗi người đại diện. Trường hợp chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty không xác định phần vốn góp, số cổ phần tương ứng cho mỗi người đại diện theo ủy quyền, phần vốn góp, số cổ phần sẽ được chia đều cho số lượng người đại diện theo ủy quyền.

– Việc chỉ định người đại diện theo ủy quyền phải bằng văn bản, phải thông báo cho công ty và chỉ có hiệu lực đối với công ty kể từ ngày công ty nhận được thông báo. Văn bản ủy quyền phải có các nội dung chủ yếu sau:

+ Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông.

+ Số lượng người đại diện theo ủy quyền và tỷ lệ cổ phần, phần vốn góp tương ứng mỗi người đại diện theo ủy quyền.

+ Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của từng người đại diện theo ủy quyền.

+ Thời hạn ủy quyền tương ứng của từng người đại diện theo ủy quyền; trong đó ghi rõ ngày bắt đầu được ủy quyền.

+ Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông và của người đại diện theo ủy quyền.

– Người đại diện theo ủy quyền phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau:

+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

+ Không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp.

+ Thành viên, cổ đông là công ty có phần vốn góp hay cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ không được cử vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột của người quản lý và của người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty làm người đại diện theo ủy quyền tại công ty khác.

+ Các tiêu chuẩn và điều kiện khác do Điều lệ công ty quy định.

Quý khách có nhu cầu tham khảo hay cần tư vấn thêm về các thay đổi của Luật Doanh Nghiệp đến Đăng ký kinh doanh công ty , doanh nghiệp vui lòng liên hệ:

Công ty TNHH tư vấn BRAVO

Hotline: 1900 6296

Email: [email protected]

Nguồn: Những Thay đổi về đăng ký kinh doanh 2016 – BRAVOLAW

4.9/5 - (8 bình chọn)
Bạn đang xem Những thay đổi về đăng ký kinh doanh 2016 hoặc Nhung thay doi ve dang ky kinh doanh 2016 trong Dịch vụ Thay Đổi Đăng Ký Kinh Doanh Công ty

Bài viết liên quan :

Gửi bình luận

Copyright © 2013-2025 · Dịch vụ doanh nghiệp, thay đổi đăng ký kinh doanh công ty · All Rights Reserved · RSS · SiteMap