Hiện nay công ty chứng khoán là loại hình công ty kinh doanh có điều kiện, mang tính chất đặc thù, riêng biệt mà khi đáp ứng được các điều kiện của luật định thì mới có thể hoạt động kinh doanh. Thành lập công ty chứng khoán cần điều kiện gì? Cùng theo dõi bài viết dưới đây của Luật Bravolaw nhé!
Căn cứ pháp lý
- Luật Chứng khoán 2019
- Luật Đầu tư 2020
- Luật Doanh nghiệp 2020
- Nghị định 155/2020/NĐ-CP
- Thông tư 21/2012/TT-BCA
- Thông tư 47/2019/TT-BTC
- Thông tư 121/2020/TT-BTC
Công ty chứng khoán là gì?
Tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 121/2020/TT-BTC quy định như sau:
1. Công ty chứng khoán là doanh nghiệp được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép thực hiện một, một số nghiệp vụ theo quy định tại Khoản 1 Điều 72, các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 86 Luật Chứng khoán.
Theo đó, công ty chứng khoán là công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hoặc công ty cổ phần được thành lập và hoạt động theo Luật Chứng khoán và các quy định của pháp luật có liên quan. Công ty chứng khoán được phép thực hiện một, một số hoặc toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh như:
- Môi giới chứng khoán;
- Tự doanh chứng khoán;
- Bảo lãnh phát hành chứng khoán;
- Tư vấn đầu tư chứng khoán.
Ngoài ra, Công ty chứng khoán chỉ được cung cấp dịch vụ tài chính khác phù hợp với quy định của pháp luật sau khi báo cáo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước bằng văn bản.
Điều kiện thành lập công ty chứng khoán
Điều kiện về chủ sở hữu
Công ty chứng khoán chỉ được tổ chức dưới hai hình thức là công ty TNHH và công ty cổ phần. Điều kiện về chủ sở hữu của công ty chứng khoán được Luật chứng khoán quy định như sau:
- Đối với cổ đông, thành viên góp vốn là cá nhân: không thuộc các trường hợp không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
- Đối với cổ đông, thành viên góp vốn là tổ chức: phải có tư cách pháp nhân và đang hoạt động hợp pháp; hoạt động kinh doanh có lãi trong 02 năm liền trước năm đề nghị cấp giấy phép báo cáo tài chính năm gần nhất phải được kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần;
- Cổ đông, thành viên góp vốn sở hữu từ 10% trở lên vốn điều lệ của 01 công ty chứng khoán và người có liên quan của cổ đông, thành viên góp vốn đó (nếu có) không sở hữu trên 5% vốn điều lệ của 01 công ty chứng khoán khác.
Ngoài ra, công ty chứng khoán phải có tối thiểu 02 cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn là tổ chức. Tổng tỷ lệ vốn góp của các tổ chức tối thiểu là 65% vốn điều lệ, trong đó các tổ chức là doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại sở hữu tối thiểu là 30% vốn điều lệ.
Điều kiện về ngành nghề khi đăng ký thành lập công ty chứng khoán
Theo Phụ lục IV Luật Đầu tư, kinh doanh chứng khoán là một trong 227 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh chứng khoán như trình tự, thủ tục, điều kiện kinh doanh được tuân thủ theo quy định của Luật chứng khoán.
Theo quy định của Luật Chứng khoán, để thành lập công ty chứng khoán, bạn phải xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán. Việc hoạt động kinh doanh chứng khoán phải tuân thủ các quy định của Luật chứng khoán đồng thời công ty chứng khoán chỉ được kinh doanh nghiệp vụ đã được Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho phép.
Điều kiện về tên công ty
Việc đặt tên công ty chứng khoán phải tuân thủ quy định chung tại Luật Doanh nghiệp 2020. Tên công ty chứng khoán không được trùng với những doanh nghiệp đã được đăng ký, không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Chứng khoán 2019, các thành tố trong tên của công ty chứng khoán phải được sắp xếp theo thứ tự sau đây: Loại hình doanh nghiệp – Cụm từ “chứng khoán” – Tên riêng.
Điều kiện về trụ sở chính khi đăng ký thành lập công ty chứng khoán
Công ty chứng khoán phải có địa chỉ kinh doanh rõ ràng. Địa chỉ trụ sở chính phải nằm trên lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh đó phải xác định được số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phó, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Công ty chứng khoán không được đặt địa chỉ tại chung cư, nhà tập thể.
Điều kiện về vốn
Việc góp vốn điều lệ vào công ty chứng khoán phải bằng đồng Việt Nam.
Điều kiện về vốn pháp định đối với mỗi nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán là khác nhau. Cụ thể, theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 176 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, vốn điều lệ tối thiểu cho các nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán tại Việt Nam như sau:
- Môi giới chứng khoán: 25 tỷ đồng;
- Tự doanh chứng khoán: 50 tỷ đồng;
- Bảo lãnh phát hành chứng khoán: 165 tỷ đồng;
- Tư vấn đầu tư chứng khoán: 10 tỷ đồng.
Điều kiện về con dấu
Con dấu rất quan trọng với doanh nghiệp. Nó thể hiện ý chí của công ty trong mọi giao dịch. Vì vậy, pháp luật hiện hành cũng quy định rất chặt chẽ, quy đinh về kích thước, kiểu dáng sao cho đồng nhất, phù hợp.
Kích thước, hình dạng con dấu được quy định tại Thông tư 21/2012/TT-BCA như sau:
- Đường kính: 36 mm;
- Vành ngoài phía trên con dấu: Mã số doanh nghiệp, số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, số giấy phép thành lập, hoạt động, số giấy chứng nhận đầu tư, sau dãy số thực là loại hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp đầu tư 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh nước ngoài, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
- Vành ngoài phía dưới con dấu: Tên cấp huyện kèm theo tên cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính;
- Giữa con dấu: Tên tổ chức dùng dấu.
Lệ phí thành lập công ty chứng khoán
Để thực hiện thủ tục thành lập công ty chứng khoán, có rất nhiều chi phí, lệ phí liên quan. Đầu tiên đối với phí, lệ phí phải nộp những khoản sau:
- Lệ phí đăng ký doanh nghiệp. Theo Thông tư 47/2019/TT-BTC, mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp lần đầu là 50.000 đồng/lần. Đặc biệt, trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
- Phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp. Theo quy định tại Thông tư 47/2019/TT-BTC, phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp là 100.000 đồng/lần.
Ngoài ra, sẽ còn phát sinh thêm một số chi phí có liên quan như: chi phí mở tài khoản ngân hàng, chi phí mua chữ ký số, tạo con dấu,… Những chi phí này sẽ tùy thuộc vào tình huống thực tế của doanh nghiệp.
Trên đây là bài viết tư vấn về của Luật Bravolaw về chủ đề trên. Để biết thêm thông tin chi tiết, tham khảo thêm dịch vụ tư vấn thành lập công ty miễn phí của chúng tôi vui lòng liên hệ Hotline: 1900 6296 nhé!, Chúng tôi sẽ hỗ trợ 24/7, giúp bạn tiết kiệm chi phí và ít đi lại.